Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (Martin McDonagh, 2017)

Xem Three Billboards xong mình đã không ngừng nghĩ về việc sẽ giới thiệu nó cho tất cả những người xung quanh, mình sẽ nói: “Xem bộ phim này đi, và xem chậm thôi nhe.”

Người ta sẽ hỏi lại mình “bộ phim nói về cái gì?” mình sẽ trả lời là “phim nói về một người mẹ mất con”, người ta sẽ nhún vai “vậy à”, mình sẽ bị buộc phải nói chi tiết hơn “đứa con gái mười bảy tuổi đã chết trong một vụ cưỡng hiếp, cô gái bị cưỡng hiếp, rồi bị thiêu rồi lại bị cưỡng hiếp… và cuộc điều tra thì trì trệ do thiếu manh mối” nghe đến đây trán của người ta sẽ nhăn lại “nghe kinh khủng quá” nhưng mình sẽ cảnh báo người ta liền “mà trong phim sẽ không có cảnh tượng ghê rợn ấy đâu và cũng sẽ không có luôn những pha điều tra tội phạm li kỳ; cùng lắm là có vài cảnh đánh nhau nát mặt, quăng nhau qua cửa sổ thôi”, người ta sẽ chưng hửng chút xíu, còn mình thì tranh thủ nói thêm “người mẹ thì đương nhiên không thể nguôi được cơn thù hận, bà không can tâm để tên hung thủ táng tận lương tâm ấy nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật; bà có một kế hoạch…”

Rồi nhiều xáo động bắt đầu kéo đến từ kế hoạch của người mẹ – Mildred Hays, bà muốn thuê ba tấm bảng quảng cáo ngoài trời, bà sẽ dùng chúng để nhắc nhở ông cảnh sát trưởng Willoughby – người mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác và chỉ còn một tháng để sống trên đời cùng người vợ trẻ đẹp và hai cô con gái bé bỏng, đồng thời cũng là người phải chịu trách nhiệm cho việc không giải quyết được vụ án giết người-hiếp dâm này; để thúc ép ông tiếp tục với vụ án chứ không viện cớ và quên lãng nó.
Bà muốn một câu trả lời, bà muốn biết tên hung tàn điên rồ ấy là ai, vậy bà nên làm gì ngoài tất cả những điều bà đã làm: khóc lóc, gào thét, van xin; bà nên thử một cách khác, bà có thể gây náo động, bà có thể khiến cho cả thị trấn nhớ rằng còn một tên tội phạm điên rồ đang hớn hở vì chưa bị còng tay; rõ ràng và quyết liệt, bà nên làm những việc bà nên làm. 

Đối với mình, Three Billboards đã trực tiếp nhắc nhở mình một điều rằng: hãy trưởng thành hơn đi, hãy hiểu rõ các sự kiện hơn nữa, đừng để mớ cảm xúc nông cạn dẫn dắt mình vào guồng cảm xúc của đám đông, chúng mau được gây nên, dâng cao mà cũng dễ dàng bị cuốn đi; chúng – mớ cảm xúc hời hợt ấy tưởng chừng là điều thiêng liêng cao cả, đại diện cho mối đồng cảm, cho cảm hứng hướng tới điều thiện, điều tốt đẹp giữa loài người, thì đây, chỉ là những cái gật đầu vỗ vai nhiều thấu hiểu, rồi sau đó là những lần né tránh, những lần không buồn giải quyết cho xong một công chuyện.
Vì tất cả dường như đều sợ hãi, đều không đủ kiên nhẫn hoặc không đủ bận lòng để đi tới cùng, để sẵn sàng đối mặt với sự thật rành rành; trừ bà mẹ, dĩ nhiên.

Họ sẽ bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không đúng nếu người bị hại không còn muốn ngồi một chỗ và buồn khổ và đón nhận những tiếng ủng hộ suông suông; đại diện của họ có lẽ là cha xứ: cha sẽ khuyên con, không nên hành động như vậy, con sẽ không được mọi người ủng hộ nữa, đừng hỏi cha tại sao, bởi cảnh sát trưởng là ai, đức độ của ông ta như thế nào, mọi người đều biết rõ, căn bệnh mà ông ta đang gánh chịu, ai cũng thương xót, con gây áp lực với ông ta, xóm giềng sẽ phẫn nộ, họ sẽ quay sang bài trừ con, con biết mà. Rồi bà lên tiếng như sau: thưa cha, kệ mẹ cái lũ khốn mập thây ấy có ủng hộ con hay không, việc của con thì con cứ làm, cảm ơn cha đã ghé ngang đời con, xin mời cha đi ngay cho con ngủ liền. 

Vâng, thần thái vẫn là rất quan trọng, chuyện phải trái mình xin để sang một bên. 

Phải nói là ngay từ đầu mình đã có ấn tượng đây là một người phụ nữ không mấy dễ chịu; bà cương quyết và cứng rắn với mọi đối tượng muốn cản trở mình; vậy mà khi thực sự đối diện với áp lực phải cư xử theo định hướng thường tình (nghĩ đến nỗi đau của người khác, tìm một hướng giải quyết ít thẳng thắn hơn, ít dằn vặt hơn…) thì thái độ và lựa chọn của bà vẫn khiến mình nể phục kinh khủng vì là người ngoài cuộc, mình đã trộm nghĩ có lẽ bà nên nhường lại một bước, nên biết đến nỗi đau của người ta hơn, nên bao dung hơn…. 
Nhưng có lẽ, rốt cuộc đó là con gái của bà, là lựa chọn của bà, là cuộc sống của bà mà; nếu bà còn không trực tiếp đối diện với câu chuyện của bà thì ai sẽ làm điều đó thay bà chứ; thẳng thắn và thành thật mà nói thì cuộc đời nó chính là như vậy. 

Mình sẽ gõ nhiêu thôi và không gõ thêm gì nữa, vì thật ra sẽ có rất nhiều điều để nói khi nói về bộ phim này mà mình thì suýt cạn chữ rồi mà chưa kể mỗi người có lẽ lại có một ấn tượng riêng với cái đẹp nữa 😉

Vậy nên, xem đi nhe, và xem chậm thôi nhe.

Leave a Reply